(+84.24) 3941 0191

Tin tức

FSS TỔ CHỨC WORKSHOP VĂN HÓA DOANH NGHIỆP

01/04/2021

Ngày 20/03 vừa qua, FSS đã tổ chức thành công workshop Văn hóa doanh nghiệp do Anh  Nguyễn Thành Nam và Anh Phan Phương Đạt – 2 nhà văn hóa có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển văn hóa tại FPT chia sẻ với sự tham gia của tất cả các cán bộ Nguồn FSS.

 

   Trong buổi workshop các CB Nguồn FSS đã nhận thức được tầm quan trọng của Văn hóa doanh nghiệp, những yếu tố cấu thành nên văn hóa doanh nghiệp và đặc biệt hơn là nắm bắt được kỹ năng quan trọng để xây dựng, duy trì và phát triển văn hóa doanh nghiệp.

   Những kiến thức về văn hóa chuyên sâu được anh Anh Phan Phương Đạt chia sẻ hết sức cởi mở, anh nhấn mạnh: Văn hóa được định nghĩa là các tri thức đã học được, được tích lũy và chia sẻ trong quá trình xử lý các vấn đề liên quan đến việc điều chỉnh cho phù hợp với ngoại cảnh, và hội nhập ở trong nội bộ. Các tri thức đó đã phát huy hiệu quả đủ tốt để đánh giá là phù hợp và, do đó, được dạy lại cho các thành viên mới như một cách thức đúng đắn để tiếp nhận, tư duy, cảm nhận và hành xử đối với các vấn đề. Đó là hệ thống các niềm tin, giá trị và chuẩn mực hành vi đã trở thành hiển nhiên, biến thành các ngầm định cơ bản và trở thành vô thức.

   Bên cạnh đó anh Phan Phương Đạt còn chỉ ra tầm quan trọng và vai trò của thủ lĩnh (leadership) trong văn hóa doanh nghiệp: Sự lãnh đạo là then chốt cho việc học tập. Học tập sẽ xuất hiện khi thứ gì được chờ đợi rốt cuộc lại không xảy đến, và các thành viên của nhóm cảm thấy đói, tổn thương, thất vọng hay nghi ngờ. Khi đó, lãnh đạo sẽ đề xuất giải pháp gì đó để khắc phục khó khăn. Quá trình học gì đó mới hay từ bỏ gì đó không còn phù hợp, được thể hiện gián tiếp qua hành vi của lãnh đạo.

   Trong quá trình hình thành và phát triển, văn hóa Doanh nghiệp chịu sự tác động của rất nhiều yếu tố. Lãnh đạo và văn hóa Doanh nghiệp gắn với nhau, Lãnh đạo, theo nghĩa rộng nhất, là tạo dựng văn hóa Doanh nghiệp, nhiệm vụ tối quan trọng của lãnh đạo là tạo dựng và củng cố văn hóa Doanh nghiệp. Như vậy, Lãnh đạo Doanh nghiệp có vai trò then chốt trong việc xây dựng và phát triển văn hóa Doanh nghiệp: tạo dựng nền tảng văn hóa Doanh nghiệp; hình thành , nuôi dưỡng môi trường và chuẩn mực văn hóa; tuyển chọn những người phù hợp với hệ giá trị văn hóa; là tấm gương và động lực cho nhân viên; là người thay đổi văn hóa Doanh nghiệp.

   Ngoài ra, các Cán bộ Nguồn FSS đã được anh Nguyễn Thành Nam chia sẻ về việc xây dựng văn hóa FPT ngay từ khi ngày đầu thành lập. Từ quá trình xây dựng văn hóa gặp nhiều khó khăn, những hoạt động truyền thông nội bộ, đến những chương trình phát triển văn hóa của FPT có những thành công như ngày hôm nay.

   Văn hóa doanh nghiệp là tài sản vô hình của doanh nghiệp, góp phần tạo nên sức mạnh lớn lao của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp ăn sâu vào niềm tin nên có vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của tổ chức. Chính vì vậy, VHDN đã tạo nên nét đặc trưng riêng của doanh nghiệp. Để tạo nên một nét văn hóa riêng cho FSS, BLĐ cùng các CBQL cần phải đầu tư tìm hiểu và phát triển những giá trị cốt lõi sẵn có tại FSS.